Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Quan điểm của Việt Nam về việc máy bay Mỹ tuần tra biển Đông

       Chiều 10-12, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Bộ Ngoại giao Việt nam về việc Singapore cho phép Mỹ triển khai máy bay do thám ởbiển Đông từ lãnh thổ Singapore.
        Phó Phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam cho biết duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. "Mọi hành động đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực đều được hoan nghênh" - bà Phạm Thu Hằng nói.
       Trước đó, trong một tuyên bố chung đạt được sau hội đàm ở Washington ngày 7-12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen đã hoan nghênh giai đoạn triển khai đầu tiên của máy bay do thám P-8 Poseidon tại Singapore từ ngày 7 đến ngày 14-12. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay các cuộc triển khai tiếp theo tại Singapore dự kiến cũng sẽ được thực hiện.
        Tuyên bố nhấn mạnh việc triển khai P-8 Poseidon tại Singapore nhằm thúc đẩy sự liên kết giữa các nền quân sự trong khu vực thông qua các cuộc diễn tập song và đa phương, hỗ trợ kịp thời cho những hoạt động nhân đạo và cứu nạn cũng như những nỗ lực bảo đảm an ninh hàng hải. Trước đây, Mỹ từng cho các máy bay P8 cất cánh từ Nhật Bản và Philippines và cũng tiến hành các chuyến bay giám sát từ nước láng giềng của Singapore là Malaysia.

Tuyên bố mập mờ nhưng rất nguy hiểm của Trung Quốc về Biển Đông

      Tấm bản đồ “Đường lưỡi bò” chiếm khoảng 80% diện tích biển Đông do Trung Quốc đơn phương vẽ ra đã và đang gây phản đối nhiều thập kỉ qua. Giới chức lãnh đạo nước này nhiều lần tuyên bố rằng nó là "một phần lãnh thổ" Trung Quốc trong suốt nhiều thế kỷ. Trong bài phát biểu hôm 7-11 tại Singapore, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng: "Các đảo ở biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại. Chính phủ Trung Quốc có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải hợp pháp của Trung Quốc".
         Khi bị lên án vì các hành động khiêu khích ngang ngược, giới chức Trung Quốc thường sử dụng ngôn ngữ mơ hồ để phản đối. Trong vụ tàu USS Lassen tuần tra ở biển Đông vừa qua, Bắc Kinh không cáo buộc Mỹ vi phạm "lãnh hải" hay “vùng đặc quyền kinh tế”, thay vào đó Bắc Kinh nói Washington "đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc" và “đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”.
         Vẫn với kiểu phản đối chung chung như vậy, Trung Quốc đã tránh mọi trường hợp làm rõ các bản chất pháp lý của những thực thể ở Đá Xu Bị (ởquần đảo Trường Sa (của Việt Nam) bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấn thành đảo nhân tạo (trái phép) là gì. Và với kiểu tuyên bố nhập nhằng, mơ hồ như vậy, Bắc Kinh cũng chưa bao giờ dám nói thẳng về chủ quyền của các vùng xung quanh đá Xu Bi như thế nào. Chính vì vậy, những tuyên bố của Trung Quốc luôn rất bí ẩn.
           Sự nhập nhằng đó lại càng nguy hiểm hơn khi Trung Quốc đang tỏ rõ sẽ bảo vệ yêu sách mơ hồ đó bằng vũ lực. Điều này được thể hiện rõ trong Sách trắng Quốc phòng 2015 của nền kinh tế số 2 thế giới tuyên bố rằng một mục tiêu của Trung Quốc là bảo vệ "chủ quyền và lợi ích hàng hải" trong các tình huống "nếu láng giềng có những hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự trên các rặng san hô, đá, đảo" ở Trường Sa (của Việt Nam - PV).
         Vì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không rõ ràng, nên các bên liên quan khác không thể xác định Trung Quốc sẽ dùng vũ lực ở đâu và khi nào, do đó sẽ làm tăng nguy cơ xung đột. Nhiều nước trong khu vực đang chọn chung một hướng đi, đó là một mặt không thể quay lưng trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng mặt khác họ đang thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Mỹ.