Chiến tranh Việt Nam
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
|
|
|
|
Đối với các định nghĩa khác, xem Chiến tranh Đông Dương (định hướng).
Chiến tranh Việt Nam (1955–1975) là giai đoạn thứ hai và là giai đoạn khốc liệt nhất của Chiến tranh Đông Dương (1945–1979). Đây là cuộc chiến giữa hai bên, một bên là Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam cùng Hoa Kỳ và một số đồng minh khác như Úc, New Zealand, Đại Hàn, Thái Lan và Philippines tham chiến trực tiếp[24]; một bên là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại miền Nam Việt Nam, cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đều do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo, được sự viện trợ vũ khí và chuyên gia từ các nước xã hội chủ nghĩa (cộng sản), đặc biệt là của Liên Xô[25] và Trung Quốc. Cuộc chiến này tuy gọi là "Chiến tranh Việt Nam" do chiến sự diễn ra chủ yếu tại Việt Nam, nhưng đã lan ra toàn cõi Đông Dương, lôi cuốn vào vòng chiến cả hai nước lân cận là Lào và Campuchia ở các mức độ khác nhau. Do đó cuộc chiến còn được gọi là Chiến tranh Đông Dương lần thứ 2. Cuộc chiến này chính thức kết thúc với sự kiện 30 tháng 4, 1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa đầu hàng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, trao chính quyền lại cho Chính phủ cách mạng lâm thờiCộng hòa Miền Nam Việt Nam.[26]
Tại Việt Nam, sách báo dùng tên Kháng chiến chống Mỹ hoặc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước để chỉ cuộc chiến tranh này[27], cũng là để phân biệt với các cuộc kháng chiến khác đã xảy ra ở Việt Nam khi chống Pháp, chống Nhật, chống Mông Cổ, chống Trung Quốc. Một số người[28]cảm thấy tên Kháng chiến chống Mỹ không trung lập do trong cuộc chiến còn có những người Việt tham chiến cùng Hoa Kỳ;[28] một số khác thì lại cho rằng tên Chiến tranh Việt Nam thể hiện cách nhìn của người phương Tây hơn là của người sống tại Việt Nam.[28] Tuy nhiên về mặt học thuật, hiện nay các học giả và sách báo ngoài Việt Nam thường sử dụng tên "Chiến tranh Việt Nam" vì tính chất quốc tế của nó.[28]
Tên gọi ít được sử dụng hơn là Chiến tranh Đông Dương lần 2, được dùng để phân biệt với Chiến tranh Đông Dương lần 1 (1945-1955),Chiến tranh Đông Dương lần 3 (1975-1989, gồm 3 cuộc xung đột ở Campuchia và biên giới phía Bắc Việt Nam).
Theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, Chiến tranh Việt Nam được Mỹ coi là bắt đầu từ ngày 1/11/1955 khi Nhóm chuyên gia hỗ trợ quân sự Mỹ (U.S. Military Assistance Advisory Group - MAAG) cho Việt Nam được thành lập [29].
Cuộc chiến này chính thức kết thúc với sự kiện 30 tháng 4, 1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa đầu hàng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, tiếp quản miền Nam cho đến khi đất nước thống nhất. Nhà nước thống nhất với quốc hiệu là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời vào năm 1976.
Mục tiêu của các bên trong Chiến tranh Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]
Mục tiêu của các bên trong Chiến tranh Việt Nam rất phức tạp và đa diện tùy theo lập trường của các bên, nhưng có thể rút ra một số đặc điểm sau:
- Đối với các nhà lãnh đạo của Mỹ[30] và Việt Nam Cộng hòa[31] thì đây là cuộc chiến tranh giữa hai hệ tư tưởng: chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa chống Cộng. Chính phủ Mỹ muốn ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á (Xem Thuyết Domino), và đã đứng racáng đáng chi phí cho cả cuộc chiến,[32][33][34] và trong giai đoạn 1965-1973 quân đội Mỹ đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường.[35][36][37][38]Theo quan điểm của những người ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ, cuộc chiến này là cuộc chiến để giữ miền Nam Việt Nam và Đông Nam Á không thuộc về những người cộng sản.[39]
- Về quan điểm của người dân và học giả Hoa Kỳ, có hai chiều hướng chính. Một phía tin vào chính phủ Mỹ và ủng hộ cuộc chiến chống Cộng của quân đội Hoa Kỳ. Phía kia cho rằng đây còn là cuộc chiến tranh xâm lược[40][41] theo kiểu thực dân mới[42][43], còn Việt Nam Cộng hòa chỉ là một dạng chính phủ bù nhìn mà Hoa Kỳ kế thừa từ Pháp[44][cần số trang] còn chính sách chống Cộng sản của chính phủ Mỹ theo Jonathan Neale chỉ là cái cớ để phục vụ cho quyền lợi của những tập đoàn tư bản Mỹ.[45][cần số trang][46]
- Đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam thì đây là cuộc chiến tranh nhằm thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, các mục tiêu giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho đất nước, cải thiện dân sinh, dân chủ tạo tiền đề cả nước tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mục tiêu vẫn còn dang dở sau 9 năm kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ.[47] Họ nhìn nhận cuộc chiến này là một cuộc chiến chống ngoại xâm, phong kiến, chống lại chủ nghĩa thực dân mớimà Mỹ áp đặt tại miền Nam Việt Nam.[48][49][50]. Theo quan điểm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, họ là chính thể hợp pháp duy nhất có chủ quyền trên toàn Việt Nam từ năm 1945, và lãnh đạo hai miền kháng chiến, trong khi Cộng hòa miền Nam Việt Nam (tiền thân là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam) là tổ chức đại diện cho nhân dân Miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống lại kế hoạch chia cắt đất nước Việt Nam của Hoa Kỳ.[51].
- Đối với đa số người Việt Nam, theo một số học giả, sau 2000 năm chiến đấu chống các lực lượng ngoại xâm, người Mỹ đơn giản là sự hiện diện mới nhất của ngoại bang trên đất nước Việt Nam. Họ xem cuộc chiến chống Mỹ là giai đoạn mới nhất của cuộc đấu tranh trường kỳ giành độc lập từ cuối thế kỷ 19[52][53][54] Những người này đã góp nên sức mạnh cho phong trào dân tộc mãnh liệt do Hồ Chí Minh lãnh đạo.[55]. Phong trào do Đảng Lao Động Việt Nam, với uy tín trong nhân dân đạt được từ việc đã tổ chức Mặt trận Việt Minh giành độc lập cho đất nước và kiên trì chiến đấu chống thực dân Pháp, và tổ chức do đảng này thành lập là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đi tiên phong, đã đạt được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân.[56][57][58][59][60] Trong khi đó, Việt Nam Cộng hòa thì ngày càng phụ thuộc vào Hoa Kỳ và không duy trì được vai trò độc lập của họ trong con mắt người dân (nhất là sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại trong vụ đảo chính được cho là do Mỹ giật dây) – nhất là khi đa số lãnh đạo của họ là những người trong chính phủ Trần Trọng Kim, hình thành dưới chế độ bảo hộ của phát xít Nhật, hay đã từng làm việc cho Quốc gia Việt Nam, một chính thể bị người cộng sản xem là tay sai của Pháp.[61] Tiền thân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa là Quân đội Quốc gia Việt Nam cũng được thành lập dựa trên một hiệp ước giữa Quốc gia Việt Nam với Pháp, sau đó được Việt Nam Cộng hòa tổ chức lại theo kiểu Mỹ. Ngoài những người có cảm tình với các bên tham chiến, đại đa số những người dân miền Nam còn lại không quan tâm về các hệ tư tưởng chính trị, họ chỉ muốn được yên ổn để làm ăn.[62] Theo quan điểm của nhiều sử gia, cuộc chiến này, do đó, mang tính dân tộc rất cao:[63][53][64][56] nguyện vọng độc lập và thống nhất đất nước, sự ủng hộ của đa số nhân dân đã trở thành yếu tố quyết định giúp những người Cộng sản thắng lợi dù họ là bên yếu thế hơn nhiều về trang bị quân sự. Hoa Kỳ đã thất bại vì không nhận ra đó là một cuộc “chiến tranh nhân dân”, và người Việt Nam gắn bó với cách mạng bởi vì họ coi đó như là một cuộc chiến để bảo vệ gia đình, đất đai và tổ quốc mình.[65]
- Trên cục diện quốc tế đây là cuộc "chiến tranh nóng" trong lòng Chiến tranh Lạnh đang diễn ra quyết liệt lúc đó trên thế giới.[66] Cả Liên Xô và Trung Quốc dù có những xung đột sâu sắc với nhau vẫn cùng viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chống lại Mỹ, điều họ cũng làm với Khối Ả Rập và nhiều phong trào cánh tả ở châu Phi và Mỹ Latinh khác. Khi đó ba làn sóng cách mạng đang phát triển, và chủ nghĩa cộng sản có sự hấp dẫn nhiều nơi trên thế giới. Phe các nước xã hội chủ nghĩa do các Đảng Cộng sản lãnh đạo đang lớn mạnh, và Liên Xô với diện tích 22,4 triệu km² là một cường quốc hình mẫu nhiều dân tộc trên thế giới đi theo, chống lại chủ nghĩa đế quốc tư bản (thực dân và thực dân mới,...), chủ nghĩa tư bản, hay chế độ được xem là phong kiến.
Cuộc chiến tranh này được nhiều người phân đoạn theo các cách khác nhau: Người Mỹ[67][68][69][70] thường quan niệm "Chiến tranh Việt Nam" được tính từ khi khi họ trực tiếp tham chiến trên bộ đến khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa đầu hàng (từ 1965 (nhiều nguồn cho là 1964)[68] đến 1975). Có nhiều nguồn[71][72][73][74] khác lại coi cuộc chiến bắt đầu từ 1960 đến 1975, tính từ khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu công khai ủng hộ đấu tranh vũ trang tại miền Nam. Nhưng quan điểm chung[27][75] và chính thống hiện nay của chính phủ Việt Nam[27] vẫn coi Chiến tranh Việt Nam được tính từ 1954 hoặc 1955 đến 1975, vì theo họ nguồn gốc của chiến tranh bắt nguồn từ các kế hoạch can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam, vốn bắt đầu diễn ra ngay từ năm 1954.