Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Cuộc chiến ngầm của ngư dân Trung Quốc ở Biển Đông

Liên tiếp xung đột gần đây
Vài tuần qua, căng thẳng đã bùng lên với Indonesia, Malaysia và Việt Nam khi ngư dân Trung Quốc thường được tàu hải cảnh hỗ trợ đã mạo hiểm vượt qua lãnh hải của họ xâm nhập vào gần bờ biển của quốc gia khác. Đó chỉ là những cuộc xung đột mới nhất trong cuộc chiến lâu dài của Trung Quốc nhằm mở rộng ngư trường của mình, đồng thời áp đặt sự thống trị của họ trên biển.
Vào cuối tháng 3-2016, cơ quan quản lý hàng hải Malaysia phát hiện khoảng 100 tàu đánh cá Trung Quốc được tàu hải cảnh hộ tống trong vùng biển của mình. Đội tàu này được phát hiện ở khu vực gần cụm bãi cạn Luconia, cách bờ biển Borneo của Malaysia chưa đầy 100 hải lý và cách đảo Hải Nam, Trung Quốc tới 800 hải lý. Đầu tháng này, Việt Nam đã bắt giữ một tàu Trung Quốc làm nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu cho các tàu cá Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam.
Tuy nhiên, vụ việc đáng chú ý nhất là hôm 20-3, nhà chức trách Indonesia đã áp sát một tàu cá Trung Quốc đang ở gần quần đảo Natuna của Indonesia. Khi tàu Indonesia bắt đầu kéo chiếc tàu cá Trung Quốc vào bờ, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã can thiệp, đẩy tàu cá quay trở lại vùng biển quốc tế, buộc phía Indonesia phải tháo cáp kéo.
Indonesia vốn có quan hệ khá hữu nghị với Trung Quốc, nhưng sau vụ việc này, Chính phủ Indonesia đã tỏ thái độ giận dữ, cho rằng những nỗ lực nhằm duy trì hòa bình trong vùng biển tranh chấp đã bị “phá hoại”. Các quan chức quốc phòng nước này tuyên bố sẽ điều tàu hải quân lớn hơn để bảo vệ các tàu tuần tra của họ trong khu vực, xem xét triển khai quân ở khu vực đảo xa và thậm chí có thể triển khai máy bay chiến đấu F16 của Mỹ đến quần đảo Natuna để đuổi “kẻ trộm”.
Trung Quốc "tuyên bố chủ quyền" tới 90% diện tích Biển Đông, dựa trên “đường chín đoạn” đi sát bờ biển của Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Indonesia. Trước phản ứng nói trên của Indonesia, như thường lệ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các tàu cá của Bắc Kinh hoạt động tại “ngư trường truyền thống”, mặc dù vụ việc xảy ra chỉ cách đảo Natuna một vài hải lý và cách đảo Hải Nam tới 900 hải lý.
Trung Quốc đổ lỗi cho Hoa Kỳ về việc quân sự hóa Biển Đông, chỉ ra rằng với chiến lược tái cân bằng sang châu Á của Tổng thống Obama, Mỹ và Philippines gần đây đã đạt thỏa thuận lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ Mỹ sẽ cử lực lượng Mỹ đến 5 căn cứ quân sự ở Philippines, cùng với đó là hoạt động diễn tập quân sự đang diễn ra giữa hai nước.

Tuy vậy, Alan Dupont, Giáo sư về an ninh quốc tế tại Đại học New South Wales, Australia nhận định rằng, Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch chiến lược riêng nhằm thống trị Tây Thái Bình Dương và đẩy Hoa Kỳ ra ngoài. Nhưng chính sách “kẻ cơ hội” của Bắc Kinh đã tạo ra tác dụng ngược, khi nhiều quốc gia trong khu vực đoàn kết chống lại Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét